Thông tin cần biết

Ban vì sự tiến bộ PN  »  Thông tin cần biết


Ngành giáo dục nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới


Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tươi tắn, tự tin trong ngày khai giảng

(GD&TĐ) - Công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới ngành Giáo dục trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ giúp phụ nữ khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Cán bộ nữ khẳng định vị thế

Trong công tác quy hoạch cán bộ, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị quan tâm đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; đặc biệt chú trọng tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Các đơn vị đã bố trí nữ cán bộ có đủ năng lực tham gia các vị trí lãnh đạo. Kết quả thấy rõ là trong tổng số 247 giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT có 61 cán bộ nữ, chiếm 25%, trong đó 3 người giữ vị trí giám đốc.

Tại 2 ĐHQG và các ĐH vùng, trường ĐH, CĐ, dự bị ĐH, trường hữu nghị trực thuộc Bộ GD&ĐT, có 26 cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trong tổng số 350 cán bộ lãnh đạo các trường. Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ trưởng, phó khoa, phòng, bộ môn và tương đương ở các trường ĐH, CĐ; trưởng, phó phòng giáo dục, phòng chuyên môn tại các Sở GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông...

Nói riêng cơ quan đầu não ngành Giáo dục, cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo có 1 Thứ trưởng, 2 vụ trưởng, 12 phó vụ trưởng và tương đương, 9 trưởng phòng, 12 phó trưởng phòng... Có thể nói, kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong những năm qua có phần đóng góp không hề nhỏ của cán bộ lãnh đạo là nữ.

Đặc biệt đáng ghi nhận là nỗ lực học tập, nâng cao trình độ của nữ cán bộ, giáo viên. Theo số liệu thống kê về đào tạo sau ĐH trong 5 năm (2006 – 2010), có tổng số 27.335 nữ thạc sĩ tốt nghiệp, chiếm 41,1%; 611 nữ tiến sĩ được cấp bằng, chiếm 22,47%. Số liệu này cho thấy thực tế đã vượt xa chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hành động (đến năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt ít nhất 40%, nữ tiến sĩ đạt ít nhất 20%).

Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ để tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo sau ĐH. Bộ GD&ĐT cho biết, sau thời gian nghiên cứu và sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, nội dung này dự kiến sẽ không ban hành quy định riêng mà sẽ được lồng ghép trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, đảm bảo có sự hỗ trợ hợp lý đối với nữ trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.

Trong 5 năm (2006 - 2010), có tổng số 27.335 nữ thạc sĩ tốt nghiệp, chiếm 41,1%; 611 nữ tiến sĩ được cấp bằng, chiếm 22,47%. Số liệu này cho thấy thực tế đã vượt xa chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hành động (đến năm 2015, tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt ít nhất 40%, nữ tiến sĩ đạt ít nhất 20%).

 Loại bỏ định kiến giới trong chương trình, SGK

 Bộ GD&ĐT đã giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với các vụ chuyên môn rà soát và phân tích sách giáo khoa (SGK) dưới góc độ về giới cấp quốc gia.

 Trong khuôn khổ chương trình hợp tác chung của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới, với sự hỗ trợ của Unesco, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, phân tích SGK tiểu học dưới góc độ về giới.

 Đồng thời, lồng ghép giới và bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 nhằm loại bỏ định kiến giới và các hình ảnh bất bình đẳng giới trong các tài liệu.

 Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn rà soát và phân tích SGK, trong đó có báo cáo kết quả nghiên cứu “Rà soát và phân tích SGK dưới góc độ về giới”. Báo cáo đã chỉ rõ sự hiện diện của nhiều định kiến về giới một cách rõ ràng hoặc ngấm ngầm trong các bài viết, tranh minh họa và các hoạt động học tập trong SGK cấp tiểu học. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp trong việc phân tích, rà soát SGK dưới góc độ giới nhằm loại bỏ hình ảnh, định kiến giới trong tài liệu giảng dạy.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng đã phối hợp biên soạn và tổ chức thử nghiệm tài liệu “Các mô-đun tập huấn giáo viên nhấn mạnh các vấn đề về giới và nâng cao bình đẳng giới”, đồng thời, đưa tài liệu vào chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, định kỳ.

Trong khuôn khổ Dự án phát triển giáo dục THCS II, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng đã nghiên cứu biên soạn 2 cuốn tài liệu “Cẩm nang nữ sinh trường THCS” và “Giáo dục giới cho học sinh THCS ở vùng dân tộc thiểu số”.

Năm 2013, hai cuốn tài liệu này đã được xuất bản và chuyển đến hơn 400 trường dân tộc nội trú trong cả nước để hướng dẫn giáo viên trong việc giáo dục giới cho học sinh THCS, giúp các em tự trang bị những kiến thức về bình đẳng giới. Đây cũng là tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý giáo dục trong việc thay đổi nhận thức và tăng cường bình đẳng giới trong công tác quản lý giáo dục.

(Nguồn: Báo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI phát hành ngày 8.1.2014)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,090,776       1/901