Dưới mái trường

Kỹ năng hòa nhập và thích nghi trong môi trường Đại học

Cánh cửa Đại học rộng mở chào đón các bạn Tân Sinh viên đến trường với đầy sự háo hức và không kém phần bỡ ngỡ, lo lắng. Chia tay bạn bè, thầy/cô của trung học phổ thông (THPT) và thậm chí chia tay ba mẹ, rời khỏi nơi mình đang sống để đi học Đại học ở một thành phố khác, Tân Sinh viên phải đương đầu với nhiều thay đổi về tâm lý.

Giai đoạn chuyển tiếp luôn luôn là những thời điểm khó khăn nhất và gây nhiều sự lo sợ. Những tân binh Lạc Hồng hãy đừng nản lòng vì cảm giác đó là bình thường mà nhiều bạn cũng phải trải qua. Hãy chuẩn bị cho mình những vũ khí mạnh mẽ nhất để đối mặt với cuộc chiến chinh phục đỉnh cao của tri thức.

Hiểu được tầm quan trọng của việc giúp sinh viên nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường Đại học là việc làm cần thiết, do đó trong những năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng mời chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu về đồng hành cùng hàng ngàn sinh viên Đại học Lạc Hồng. Năm học 2018 – 2019 “chuyên gia hot boy” lại tiếp tục “khuấy đảo tâm lý” của hàng ngàn Tân Sinh viên Lạc Hồng, qua việc đặt nhiều thử thách giúp sinh viên tự khám phá điểm mạnh, điểm yếu của mình để nỗ lực đầu tư hiệu quả từ những bước đi đầu tiên. 

Chuyên gia tâm lý "chào sân" bằng câu hỏi tư duy

Chuyên gia tâm lý "chào sân" bằng câu hỏi tư duy

Sự khác biệt giữa học THPT với học Đại học! Theo chuyên gia tâm lý cách học giữa bậc THPT và học Đại học hoàn toàn khác biệt nhau như: Mục đích học THPT là học để biết, để phát triển trí tuệ còn mục đích học Đại học là học để làm, để phát triển chuyên môn; nội dung học THPT là 90% có trên lớp học còn nội dung học Đại học là sự tích lũy kiến thức từ học trên lớp, đọc sách và trải nghiệm thực tế; phương pháp học THPT là lên lớp nghe giảng còn phương pháp học Đại học là tự học dưới sự định hướng của giảng viên; thái độ học THPT là chủ động ít còn thái độ học Đại học là cực kỳ chủ động…Sự khác biệt về hai bậc học là hai nấc thang cực kỳ lớn, các bạn Tân Sinh viên Lạc Hồng ơi! Chúng ta hãy chủ động bước qua nấc thang mới này để nhanh chóng đi đến thành công nhé!

Làm sao để hòa nhập và thích nghi dễ dàng ngay từ năm đầu? Bạn hãy chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức về ngôi trường đại học nơi bạn sẽ gắn bó trong thời gian tới. Mỗi một trường đại học có một bề dày truyền thống, lịch sử và nét đặc trưng riêng. Hãy tăng cường sự hiểu biết về ngôi trường mới bằng cách nghiên cứu sách vở, phương tiện truyền thông như báo chí, website và những diễn đàn trên mạng. Những thông tin thiết thực bạn nên biết là các ngành học, những chương trình nghiên cứu, những thành tích nổi bật của trường... Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu về quá trình đăng ký môn học, những thông tin về nơi ăn ở, đi lại, những tiện nghi hỗ trợ sinh viên như: thư viện, phòng chức năng... Hơn thế nữa nếu có thể, bạn hãy tiếp cận với các anh chị lớp trên và thầy/cô để nắm bắt được những đặc thù riêng biệt của từng ngành từ những chuyện quan trọng như các lớp học ở đâu, kiếm học bổng như thế nào?… cho đến những chuyện nhỏ như: quán cóc nào ngon, bổ, rẻ…

 

Chuyên gia tâm lý "chào sân" bằng câu hỏi tư duy

TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tương tác với sinh viên LHU

Tích cực chủ động tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với thầy/cô và bạn bè để sát cánh hỗ trợ nhau về mặt học tập cũng như tinh thần. Hãy tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài học, tranh thủ gặp thầy/cô vào giờ giải lao để giải đáp thắc mắc hoặc trò chuyện…

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn tạo cho mình một thái độ lạc quan và rèn luyện óc hài hước. Thời gian trong đại học đầy thử thách và căng thẳng. Một sinh viên có tinh thần lạc quan và óc hài hước sẽ tạo ấn tượng tốt với mọi người và được nhiều người yêu mến. Nếu bạn học hỏi và luyện được các kỹ năng trên, bạn sẽ nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào một cách dễ dàng hơn.

Đầu tư như thế nào để thành công? Có thể nói đầu tư cho trí tuệ là đầu tư thành công nhất! Trong buổi chia sẻ, chuyên gia tâm lý khuyên sinh viên nên đầu tư 3 vấn đề cho bản thân là: chuyên môn, kỹ năng mềm, thái độ, đó là 3 vấn đề cần thiết để giúp sinh viên thành công. Trong đó, thái độ quyết định rất lớn đến “vận mệnh” của cuộc đời bạn.

Các hoạt động thời sinh viên nhất định trải qua, ai không trải qua thì quá lãng phí! Chuyên gia tâm lý khuyên: Thời sinh viên là thời gian đẹp nhất, tràn đầy nhựa sống và sức trẻ, sinh viên chúng ta nhất định cần trải qua 15 hoạt động đó là: Học đầy đủ; thực hiện các dự án/bài thuyết trình trên lớp/ bài tập nhóm; tham gia hội thảo chuyên môn, thực tập chuyên ngành; tham gia nghiên cứu khoa học; đọc sách chuyên ngành sâu và rộng; học các chứng chỉ bổ sung như anh văn; tham gia ban cán sự lớp; tham gia hoạt động Đoàn – Hội; tham gia các ngày hội, event; tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế; tham gia các lớp học kỹ năng mềm; tham gia vào câu lạc bộ, đội, nhóm; tham gia các chiến dịch tình nguyện như: Mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường; làm tình nguyện viên cho trường/tổ chức bên ngoài; đi làm thêm…Sinh viên không trải qua các hoạt động trên thì quá lãng phí cuộc đời, vì tham gia các hoạt động giúp sinh viên có được nhiều trải nghiệm, nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học thực tế. Đặc biệt để thành công thì sinh viên phải có thái độ "học hết mình". Vì học hết mình giúp phát triển và khẳng định bản thân, giúp bức phá nhằm tạo sự khác biệt trong thế giới phẳng.

Chuyên gia tâm lý "chào sân" bằng câu hỏi tư duy

Làm sao để giỏi chuyên môn hơn bất cứ ai? Theo chuyên gia tâm lý để giỏi chuyên môn hơn bất cứ ai? bạn phải biết khả năng và năng lực của mình đến đâu? Bạn hãy chọn cho mình một lĩnh vực, một ngành nghề chuyên sâu mà là sở trường, đam mê và yêu thích nhất của bạn, sau đó bạn đầu tư toàn bộ tâm trí và đào sâu kiến thức vào lĩnh vực đó, ngành nghề đó, làm sao khi nhắc tới lĩnh vực đó, ngành nghề đó, người người nhắc tới tên bạn, bằng các biện pháp như: đọc các sách về lĩnh vực đó, ngành nghề đó; tham dự các hội thảo về lĩnh vực đó, ngành nghề đó; hỏi giảng viên về những điều liên quan; đi làm thêm về lĩnh vực đó, ngành nghề đó; làm nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đó, ngành nghề đó…. Ngoài việc học tập và nghiên cứu, sinh viên chúng ta cần tiếp cận thực tế để trải nghiệm những kiến thức đã học trong sách, vở, thầy/cô, bạn bè… Đây chính là đầu tư cho tương lai mà mỗi Tân Sinh viên chúng ta phải xác định ngay khi bước chân vào giảng đường đại học.

Phương pháp học tập thành công tại bậc đại học là gì? Sinh viên có câu hỏi: “Phương pháp học tập thành công tại bậc đại học là gì?”. Chuyên gia tâm lý chia sẻ: Phương pháp học tập thành công tại bậc đại học là mỗi sinh viên chúng ta cần thực hiện đầy đủ bốn bước của quy trình: Một là, nắm chắc mục tiêu môn học; hai là, đọc sách liên quan đến môn học, đặc biệt là đọc thêm sách viết bằng tiếng Anh (tinh hoa văn hóa của nhân loại); ba là, chú ý lắng nghe giảng viên giảng bài, hướng dẫn, không ngần ngại thắc mắc với giảng viên về những điều chưa hiểu; bốn là, lăn xả vào thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường để trải nghiệm đan sen giữa lý thuyết và thực tiễn. Đây là phương pháp học khoa học và chủ động, giúp sinh viên nắm chắc, chuyên sâu kiến thức và thành công trên con đường chinh phục tri thức.

Trường Đại học Lạc Hồng chúc các em Tân Sinh viên nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường Đại học! Chúc các em luôn thành công trong cuộc sống!

Theo Tuyển sinh

tâm lý, tân sinh viên, tọa đàm


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        7,947,224       1/379