Thông tin Khoa học & Kỹ thuật

Khoa KH&CN Thực phẩm – 10 Xu hướng phát triển ngành thực phẩm & đồ uống trong năm 2023-2027

 

Ngày nay, ngành thực phẩm và nước giải khát đang trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và mang lại lợi nhuận lớn nhất trên toàn toàn cầu. Tuy nhiên, do là một lĩnh vực màu mỡ gắn liền với các nhu cầu cốt lõi nhất của con người mà thị trường của ngành này cũng có sự cạnh tranh gay gắt hơn hẳn các ngành kinh tế khác.  Do đó, để tồn tại và có được chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồ uống luôn phải cố gắng không ngừng để nắm bắt xu hướng phát triển ngành thực phẩm và tận dụng chúng để tạo ra lợi thế trước các đối thủ khác.

Theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96.47 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8.22%/năm. Nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á, ngành thực phẩm Việt Nam đang xếp thứ ba (sau Indonesia và Philippines), tốc độ tăng trưởng dự kiến so với 2022 xếp thứ tám, và tốc độ phát triển thị trường bình quân (CAGR) đến năm 2027 xếp thứ hai so với các quốc gia trong khu vực.

Có nhiều thay đổi quan trọng đã xảy ra trong vài năm gần đây đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất thực phẩm và nước giải khát. Ví dụ, đại dịch gây ra tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên liệu, tăng lựa chọn mua sắm trực tuyến và lạm phát, tất cả đã làm thay đổi cách ngành này hoạt động. Biến đổi khí hậu, Các cuộc chiến trên toàn cầu, lạm phát kinh tế đã khiến thế giới phải chú ý hơn đến bền vững an ninh lương thực và các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Dưới đây là 10 xu hướng phát triển ngành thực phẩm và nước giải khát mà chúng ta cần chú ý trong giai đoạn 2023-2027.

  1. Sự phát triển của thực phẩm và đồ uống sức khỏe:  Ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, điều này thúc đẩy sự phát triển của thực phẩm và đồ uống sức khỏe. Các sản phẩm không chỉ phải ngon mà còn phải bổ dưỡng, không chứa các chất phụ gia có hại. Sự tập trung vào dinh dưỡng và thành phần nguyên liệu mang tính tự nhiên và hữu cơ 100% organic sẽ là một trong những xu hướng phát triển ngành thực phẩm tương lai mà các doanh nghiệp trong ngành cần hướng tới.
  2. Tính bền vững và Minh bạch trong Sản xuất: Tính bền vững không chỉ là một xu hướng mới mẻ, mà còn là một định hướng quan trọng cho tương lai. Khách hàng ngày càng nhận thức cao hơn về tác động của sản phẩm mà họ mua đến môi trường. Họ tìm kiếm các sản phẩm có bao bì ít hoặc không sử dụng nhựa, sản xuất theo phương pháp hữu cơ hoặc bền vững, có khả năng tái chế, hoặc được sản xuất bởi các thương hiệu cam kết hỗ trợ điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động.

  3. Sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và giảm thiểu lượng rác thải: Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức lớn cho sự phát triển ngành thực phẩm đồ uống. Khả năng sản xuất thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự tập trung vào việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và giảm thiểu lượng rác thải sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành này.
  4. Truy xuất thông tin sản phẩm: Ngày nay người tiêu dùng không chỉ xem xét giá sản phẩm, mà còn đưa ra lựa chọn sản phẩm dựa vào các thông tin về sản phẩm hoặc nhà sản xuất cung cấp trên bao bì. Việc thông tin chi tiết về thành phần, giá trị dinh dưỡng, địa điểm sản xuất, nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu sẽ đem lại sự tin tưởng cho người mua hàng về chất lượng sản phẩm và thương hiệu của nhà sản xuất. Để dẫn đầu trong xu hướng này, các doanh nghiệp cần đầu tư ứng dụng các giải pháp bao bì thông minh cũng như xây dựng các hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng có thể hiểu rõ về sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
  5. Vượt qua Lạm phát, Thiếu Nguyên liệu và Thách thức Lao động: Đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu đã và đang tạo ra những tác động nghiêm trọng và lâu dài đến sự phát triển ngành thực phẩm. Tiêu biểu như việc thiếu nhân công, thiếu nguyên vật liệu, đã khiến chi phí sản xuất trong ngành không ngừng gia tăng, kéo theo sự tăng giá không ngừng của các mặt hàng thực phẩm và đồ uống. Trong khi ở một xu hướng ngược lại, nhiều khách hàng vẫn đang phải vật lộn với suy thoái toàn cầu và lạm phát trong năm 2023 và buộc phải tìm kiếm những loại thực phẩm có giá thấp nhất thị trường. Để giữ chân khách hàng và giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào việc xây dựng hệ thống sản xuất tinh gọn, hiệu quả cũng như tối ưu hoá công tác quản lý và lập kế hoạch sản xuất, tối ưu hoá hiệu quả vận hành máy móc thiết bị và tay nghề của người lao động…

  6. Sản phẩm từ Thực vật: Mặc dù còn nhiều tranh cãi về giá trị các sản phẩm nguồn gốc thực vật đến xã hội nhưng không thể chối cãi rằng các sản phẩm này đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn khi xu hướng toàn cầu đang dần “xanh hoá” và thân thiện hơn với môi trường. Đây vẫn còn là một thị trường đầy mới mẻ và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp thực phẩm với tệp khách hàng rất đa dạng từ những người ăn chay, ăn kiêng cho đến những khách hàng dị ứng với gluten và các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Việc tập trung vào các sản phẩm từ thực vật cho phép các doanh nghiệp tìm thấy nhiều cơ hội sáng tạo ra các dòng sản phẩm hoàn toàn mới mẻ và tạo được chỗ đứng riêng trên thị trường.
  7. Mua sắm Trực tuyến: Mua sắm trực tuyến đã tăng cao trong thời kỳ đại dịch và vẫn tiếp tục phát triển. Đây là cách thuận tiện để khách hàng có thể mua sắm các sản phẩm, bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh và cả các nguyên vật liệu tươi cho chế biến tại nhà. Theo một khảo sát, các khách hàng đặt hàng bằng ứng dụng hoặc trang web, thường là trên tần suất mua một lần hoặc theo kế hoạch hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm và thức ăn được giao đến tận nhà. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng vào việc xây dựng các kênh thương mại điện tử chuyên nghiệp cũng như tăng cường các chương trình tiếp thị, khuyến mãi trên các nền tảng này trong tương lai.
  8. Cách tiếp cận tiêu dùng thông qua công nghệ:  Công nghệ thông tin và truyền thông đang thay đổi cách mà người tiêu dùng tương tác với sản phẩm thực phẩm và đồ uống. Ứng dụng di động và trang web sẽ trở thành công cụ quan trọng để tiếp cận và tương tác với khách hàng. Các công ty sẽ phải đầu tư vào chiến lược số hóa để duy trì sự cạnh tranh và hiện diện với khách hang trong tương lai.
  9. Sản xuất Thực phẩm cho Thú Cưng: Không chỉ phục vụ cho con người mà ngày nay các chủ nuôi cũng đang tìm kiếm các nguồn thức ăn lành mạnh và chất lượng cho thú cưng của họ. Thực phẩm cho thú cưng đang dần tách mình khỏi ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi để trở thành một thành viên quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Đây là một thị trường mới mẻ, đầy tiềm năng trong tương lai cho các doanh nghiệp thực phẩm. Theo dự báo của Statista, Doanh thu từ phân khúc Thức ăn cho thú cưng tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 70.5 triệu USD vào năm 2023, cao hơn 9.5% so với năm 2022, và dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9% trong giai đoạn từ 2023 – 2027.

  10. Số hóa quản lý bảo trì: Quản lý bảo trì tài sản chính là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thực phẩm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả. Thông qua việc số hoá quản lý bảo trì tài sản, các doanh nghiệp thực phẩm có thể tối ưu hoá chi phí sản xuất, cắt giảm các lãng phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành và các yêu cầu chất lượng mà khách hàng đặt ra.
  11. Theo vietsoft.com.vn
Khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm

Ngành Công nghệ thực phẩm - Đại học Lạc Hồng


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,515,855       8/1,857