Vào sáng ngày 26 tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một hội thảo chuyên đề theo hình thức trực tiếp kết hợp tuyến tại điểm cầu Bộ GD&ĐT và khoảng 300 điểm cầu từ các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với tổng số hơn 2.000 đại biểu tham dự. Sự kiện này tập trung vào việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, nhằm chia sẻ kinh nghiệm đo lường chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Chuyên gia chủ trì nội dung chính của hội thảo gồm đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cùng với các chuyên gia nước ngoài như PGS.TS. Scott Danielson (ABET), TS. Johnson Ong Chee Bin (AUN-QA), đại diện trường Đại học Lạc Hồng và các nhà giáo trong nước, hội thảo đã tạo ra một diễn đàn sôi động để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Đặc biệt, sự có mặt của các đại diện đến từ 7 tổ chức kiểm định chất lượng trong nước đã góp phần làm phong phú thêm góc nhìn và đa dạng hóa các giải pháp.
Trong khuôn khổ hội thảo, PGS.TS. Scott Danielson đã chia sẻ những phương pháp đo lường chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn ABET, nhấn mạnh vào tính ứng dụng của các bộ công cụ đo lường. TS. Johnson Ong Chee Bin giới thiệu các tiêu chuẩn của AUN-QA, nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các công cụ đánh giá phù hợp với đặc thù của từng cơ sở giáo dục. Đặc biệt, các đại diện từ Đại học Lạc Hồng đã có những đóng góp giá trị. TS. Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng nhà trường, đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.
Một điểm sáng của hội thảo là phần trình bày của TS. Lê Phương Trường Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường Đại học Lạc Hồng về "Phần mềm đo lường chuẩn đầu ra," một công cụ đã được Đại học Lạc Hồng phát triển và triển khai kể từ năm 2018. Phần mềm này dựa trên các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ABET, và AUN-QA, giúp các cơ sở giáo dục đo lường hiệu quả chuẩn đầu ra CTĐT. Từ hai chương trình ban đầu vào năm 2018, đến nay phần mềm đã được mở rộng ra toàn bộ các chương trình đào tạo của trường, góp phần định hướng cho tương lai đo lường và nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
SDG4, SDG17, workshop