Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 14 - Câu chuyện cái đuôi Tôn Ngộ Không"

      Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người trở thành huyền thoại của đất nước ta không chỉ vì tài mà còn bởi trái tim và nhân cách lớn lao. Đằng sau những buổi sinh hoạt hay những câu chuyện của Người luôn là những bài học cho Người nghe phải suy ngẫm. Câu chuyện về “Cái đuôi Tôn Ngộ Không” cũng vậy.

     Năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp chuẩn bị bước sang giai đoạn ba - giai đoạn phản công (theo cách gọi lúc bấy giờ, kháng chiến chia ba giai đoạn: Phòng ngự - Cầm cự  - Phản công). Trung ương Đảng quyết định mở đợt chỉnh huấn chính trị từ Trung ương đến cơ sở để thống nhất cao về nhận thức, có hành động kiên quyết trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bước sang giai đoạn tổng phản công thắng lợi.

     Tại Việt Bắc, khi lớp chỉnh huấn đợt đầu sắp kết thúc, Bác đã đến thăm và nói chuyện với lớp học. Bác nói: “Các cô, các chú (bao giờ Bác cũng gọi các cô trước, đồng bào, chiến sĩ trước) học đã căng thẳng, nên Bác đề nghị tối nay nghỉ học để Bác cháu ta nói chuyện vui”.


Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ dân,
chính, đảng các cơ quan trung ương (Ảnh tư liệu)

     Cả lớp vỗ tay hoan hô, không khí lớp học sôi nổi hẳn lên.

    Bác hỏi: “Trong các chú ở đây, ai đã đọc Tây Du Ký?”. Nhiều cánh tay giơ lên. Bác nhìn thấy ông Tôn Quang Phiệt là nhà hoạt động cách mạng, người đã tham gia sáng lập Đảng Tân Việt, bấy giờ là Tổng thư ký Ủy ban Thường trực Quốc hội, Bác mời ông Phiệt, đồng hương Nghệ An lên kể chuyện, nhưng yêu cầu chỉ được nói trong 15 phút. Ông Phiệt mới “đi” được vài đoạn đã hết giờ, đành thú thực “kể vắn tắt khó lắm” và ông Phiệt “trêu” lại Bác: “xin mời Bác”.


Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ tại Nà Đoỏng, xã Trung Sơn,
huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh tư liệu)

     Bác cười, “thông cảm” rồi kể:

    “Từ khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư, tật xấu. Đường Tăng là một vị chân tu, bản chất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta muốn chống áp bức, nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạnh cảm hóa của Đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14 năm trời, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5.048 quyển. Đó là pho truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể tìm thấy ở Tây Du Ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến” để đối phó với cái “vạn biến”.

     Còn Tôn Ngộ Không vì không tu thành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hóa phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra cái đuôi của Tề Thiên Đại Thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại...”.

     Nghe đến đây mọi người “sợ” quá. Quả là được nghe một bản “tổng thuật” giá trị về Tây Du Ký. Biết chắc là Bác còn có cái gì đó nữa nên chờ...

     Bác nói tiếp:

     “Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường”...

     Cả lớp ngồi im...

     “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta” (Điếu văn Hồ chủ tịch). Vâng! Người sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ Người dân Việt Nam. Chúng ta nguyện ghi nhớ lời dặn của Người và viết tiếp trang sử hào hùng của Việt Nam.

(Nguồn: Theo 117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,297,460       1/722