Chiếc máy lắp ráp sản phẩm cuộn cảm (giữa chi tiết core và chi tiết mobbin - có chức năng khử nhiễu khi điện tăng lên) do Công ty Nec Tokin Việt Nam (100% vốn Nhật, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử) đặt hàng giảng viên và sinh viên khoa Cơ điện (Trường ĐH Lạc Hồng) đã được hoàn thiện và chuyển giao vào ngày 10.9 vừa qua. Ông Konno, đại diện công ty này khá hài lòng vì chiếc máy đã đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật: thời gian hoàn thành một sản phẩm là 3 giây và tỷ lệ hư hỏng là 0,1%. Như vậy, thay vì mỗi sản phẩm trước đây cần tới 3 - 4 công nhân làm trong vòng 1 phút mới xong, thì máy này đã cho năng suất gấp nhiều lần như thế.
|
Trong 3 tháng thực hiện, nhóm giảng viên và sinh viên đã trải qua nhiều công đoạn và gặp không ít khó khăn. Từ việc đưa ra các ý tưởng, thử nghiệm các ý tưởng thiết kế bằng các phương pháp mô phỏng để tìm ra giải pháp tối ưu tới việc lên bản vẽ và tiến hành gia công chi tiết. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị của phòng thí nghiệm để gia công những chi tiết phức tạp có độ chính xác cao, lắp ráp và chạy thử nghiệm đều được thực hiện tại xưởng của nhà trường.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ: “Chủ trương của trường là đưa giảng viên, sinh viên đến các doanh nghiệp để cùng tìm hiểu và giải quyết các bài toán kỹ thuật trong thực tế, sau đó xây dựng các đề tài nghiên cứu và hợp tác sản xuất. Từ trước tới giờ, giảng viên và sinh viên của trường đã nghiên cứu và chế tạo thành công khá nhiều thiết bị do doanh nghiệp đặt hàng. Đây là quá trình giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với công nghệ tiên tiến và tham gia quá trình sáng tạo. Giảng viên từ đó cũng có thêm kiến thức và kinh nghiệm giúp ích cho công tác đào tạo rất nhiều”.
Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo Công ty Nec Tokin vừa quyết định đặt hàng thêm 7 chiếc máy tương tự. Thạc sĩ Hiển cho biết sẽ có thêm nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu và chế tạo các thiết bị này.
thiết bị, tự động, chuyển giao công nghệ, chế tạo