Việc hướng tới một chuẩn chất lượng đã được ngành giáo dục đặt ra như một vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Hiện tại, Trường Đại học Lạc Hồng nằm trong top 65 trường đại học trong cả nước đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đạt chuẩn quốc gia được coi như mốc cơ bản đối với những trường muốn khẳng định chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, xu thế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng khiến các trường ĐH bắt buộc phải tìm cho mình những thước đo mới tầm cỡ quốc tế.
Trong vai trò thành viên chính thức của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á, cuối tháng 03/2018, TS.Nguyễn Thanh Lâm – Trưởng phòng QHQT - Điều phối viên chương trình AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) tại ĐH Lạc Hồng đã có chuyến công tác tại Trường ĐH Mahidol (Bangkok, Thái Lan) để tham gia Hội nghị AUN-QA CQO 2018 và làm việc cùng đối tác PIM (Học viện Quản lý Panyapiwat) tại Thái Lan.
TS. Nguyễn Thanh Lâm (thứ 3 từ trái qua) đại diện Trường ký bản ghi nhớ MoU/MoA cùng PIM
Bước tiến của Trường, lợi cho sinh viên và nhà tuyển dụng
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thành viên đã thảo luận và đưa ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình đánh giá nhằm đáp ứng nhu cầu của các trường thành viên hiện nay; hướng dẫn các thành viên sử dụng hệ thống web của AUN-QA…
Trong những ngày lưu lại Thái Lan, TS. Nguyễn Thanh Lâm đã hoàn thành vai trò của đại sứ viên trong việc đại diện Trường ký kết MoU/MoA cùng PIM.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Việc hướng tới và đạt được tiêu chuẩn này không chỉ đem lại lợi ích cho nhà trường, sinh viên mà cả người sử dụng lao động. Đối với nhà trường, có thể chỉ ra điểm mạnh và điểm tồn tại của chương trình đào tạo để có kế hoạch và hành động cải tiến cụ thể. Nhà trường xác định được vị thế của chương trình đào tạo trong khu vực và làm cơ sở để xây dựng lộ trình phát triển cho chương trình đào tạo theo hướng vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Đây là cái được lớn nhất từ phía nhà trường. Qua đó, sinh viên là đối tượng được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường được cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng. Và cuối cùng, người sử dụng lao động có cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hóa.”
Chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA đã và đang là mục tiêu và đích đến mà nhiều trường ĐH tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng tới. Đối với Đại học Lạc Hồng, mục tiêu đó đang được định hình rõ nét, không chỉ là thu hút học viên mà còn khẳng định chất lượng đào tạo và dần tiến tới việc xây dựng văn hóa chất lượng của một trường ĐH.
Nội dung ký kết giữa ĐH Lạc Hồng và Học viện Quản lý Panyapiwat - Thực hiện nhiều chương trình trao đổi GV/SV và đào tạo các khóa ngắn hạn, liên kế hợp tác đào tạo ngắn hạn hoặc 1 học kỳ, 1 năm. - SV có thể tham gia các chuyến trao đổi văn hóa (thăm một số địa điểm văn hóa, du lịch ở Thái Lan) hoặc tour tham quan trải nghiệm. - Thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn cho GV theo yêu cầu: 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, hay 1-3 tháng, v.v… - Riêng chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ ngoại ngữ cho GV: GV có thể tham gia cùng với các học viên cao học QTKD quốc tế (iMBA) để có môi trường rèn luyện; - Hợp tác nghiên cứu: PIM sẽ thông tin đến LHU về những dự án có nhu cầu đối tác nước ngoài tham gia. Nếu PIM có dự án cần đối tác PIM tham gia thì cung cấp các thông tin liên quan để được xem xét. - Chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Robotics: Sẽ chính thức bắt đầu vào năm 2019. - Giới thiệu học bổng PIM năm 2018. |
ký kết, hợp tác, quốc tế, chất lượng